Khốn khổ vì tình trạng thiếu cây xanh ở Thành Phố Hồ Chí Minh

vncoidc@outlook.com.vn

0915 806 685

Khốn khổ vì tình trạng thiếu cây xanh ở Thành Phố Hồ Chí Minh

Ngày đăng: 23/06/2023 03:56 PM

    Với hơn 10 triệu dân cùng tốc độ đô thị hóa chóng mặt, diện tích cây xanh trên đầu người tại TP Hồ Chí Minh hiện ở mức rất thấp, lại bị cắt xén nhiều. Việc phục hồi mảng xanh, xây dựng công viên đang "giậm chân tại chỗ" do nhiều nguyên nhân khiến môi trường sống của người dân ngày càng ngột ngạt. Tình trạng khốn khổ vì thiếu cây xanh đang hiện hữu ở nhiều khu vực nội đô của TP Hồ Chí Minh. 

    Theo quy hoạch công viên cây xanh TP Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025, chỉ tiêu cây xanh khu vực nội thành là 2,4m2/người, khu vực nội thành mở rộng là 7,1m2/người, còn khu vực ngoại thành là 12m2/người. Tuy nhiên, mật độ cây xanh công cộng trên địa bàn hiện chưa tới 1m2/người, thấp hơn nhiều so với tiêu chuẩn quy định. Ghi nhận cho thấy, nhiều quận khu vực trung tâm TP Hồ Chí Minh có mật độ dân cư cao nhưng thiếu công viên cây xanh như Quận 4, Quận 8, Bình Thạnh, Bình Tân... Tại quận Bình Tân, quy hoạch quận này có công viên tập trung thuộc Tiểu khu 3, khu dân cư Bình Trị Đông với tổng diện tích 47ha, tuy nhiên đến nay công viên này vẫn chưa được xây dựng. Còn tại quận Gò Vấp, Công viên văn hóa Gò Vấp rộng 37ha đã được quy hoạch từ năm 2001 nhưng đến nay vẫn còn nằm trên giấy. Ngay cả huyện Củ Chi - có quỹ đất lớn - dự án Công viên Sài Gòn Safari cũng "bất động" hơn chục năm qua.

    Ông Nguyễn Thanh Toàn, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP Hồ Chí Minh cho biết, người dân không chỉ có nhu cầu ở mà còn có nhu cầu "thở". Tuy nhiên, hiện mảng xanh trên địa bàn thành phố quá ít so với nhu cầu của người dân. Dù mỗi năm thành phố trồng thêm rất nhiều cây xanh nhưng vẫn không đáp ứng nhu cầu của một đô thị trên 10 triệu dân, cộng thêm tốc độ đô thị hóa nhanh và dân nhập cư mỗi năm rất lớn. Một trong những nguyên nhân khiến các dự án công viên cây xanh khó thực hiện là do quỹ đất có hạn, đặc biệt đất trống khu vực nội thành gần như không còn. Trong khi đó, hiện thành phố chưa có khả năng tài chính để thực hiện các quy hoạch công viên cây xanh tập trung. Do thiếu kinh phí, một số quy hoạch công viên thành phố phải chuyển đổi một phần diện tích sang công trình khác, trong đó chủ yếu "nhờ" vào việc tăng mảng xanh tại các dự án nhà ở. Tuy nhiên, trên thực tế, đa phần các dự án nhà ở, dự án phát triển đô thị lại ít hoặc không xây dựng mảng xanh, thậm chí cắt xén đất dành cho cây xanh để xây dựng các công trình thương mại, dịch vụ nhằm mục đích kinh doanh. Kết quả kiểm tra của các cơ quan chức năng cho thấy, hầu như dự án nào cũng vi phạm về công trình công cộng, chủ đầu tư đã "hô biến" phần diện tích xây dựng công viên cây xanh để xây nhà hàng, sân quần vợt, siêu thị... Trong khi đó, nhiều dự án dù đã đưa vào khai thác, cư dân sinh sống ổn định nhưng vẫn không hoàn thiện các hạng mục công trình công cộng, trong đó có công viên cây xanh.

    PGS.TS Nguyễn Trọng Hòa, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh - chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong quy hoạch đô thị - cho rằng, trước quỹ đất hạn hẹp như hiện nay thành phố cần tận dụng từng khoảng đất trống để phát triển mảng xanh, hạn chế tối đa việc "hy sinh" cây xanh để xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, phát triển nhà ở. 

    Nhằm tăng cường mảng xanh cho thành phố, ngành quy hoạch đô thị đang cố gắng phân bổ mảng xanh trong các đồ án quy hoạch chung của thành phố cũng như các quận, huyện. Theo các chuyên gia, để đạt đến một đô thị xanh phải đáp ứng nhiều tiêu chí khắt khe như không gian xanh, công trình xanh cùng với việc bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, danh lam thắng cảnh, công trình lịch sử... Với điều kiện như hiện nay, muốn tăng không gian xanh đô thị, TP Hồ Chí Minh cần lập và quản lý quy hoạch công viên cây xanh đồng bộ, tránh mỗi địa phương quy hoạch mỗi kiểu. Bên cạnh đó, cần kêu gọi doanh nghiệp đầu tư phát triển mảng xanh tại các dự án hạ tầng giao thông, văn phòng, nhà ở, trung tâm thương mại.

     

    Theo HaNoiMoi

    Zalo
    Hotline